Nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2 đã tăng trưởng ổn định với mức GDP tăng 5%, đúng như dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế. Số liệu này đã tạo nền tảng để nền kinh tế số 1 châu Á có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% GDP cả năm 2025. Trước đó, quý 1 vừa qua, GDP Trung Quốc đã tăng 5,4%. Thông báo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) nhận định rằng nền kinh tế đã vượt qua áp lực và thách thức, với hiệu suất nhìn chung ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng vẫn còn những trở ngại cần được giải quyết, như nhu cầu nội địa yếu và nguồn cung hàng hóa dư thừa. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát kéo dài nhiều tháng, gây áp lực tới lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng tiền lương. Ngoài ra, giá nhà và thị trường việc làm còn ảm đạm.
Ông Zichun Huang, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận xét rằng triển vọng cho phần còn lại của năm 2025 vẫn còn khó khăn. Trong quý 2, xuất khẩu tăng 5,8%, thấp hơn một chút so với mức 5,9% của quý 1. Xuất khẩu sang Mỹ đã giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường khác như Đông Nam Á hoặc châu Âu lại tăng.
Tăng trưởng công nghiệp trong tháng 6 khoảng 6,8%, trong khi tăng trưởng bán lẻ là 4,8%, thấp hơn mức 6,4% của tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 5%, không đổi so với tháng 5. Dự báo vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn khi có khoảng 12,2 triệu sinh viên tốt nghiệp trong mùa hè này.
Để hỗ trợ tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc đã triển khai các chương trình trợ cấp khi mua điện thoại hoặc máy tính bảng, với dự kiến chi khoảng 41,8 tỷ USD cho chương trình này trong cả năm 2025. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn âm u, chưa có tín hiệu cải thiện. Giá nhà trung bình tại 70 thành phố lớn trong tháng 6 đã giảm 0,3% so với tháng 5.
Ông Sheng Laiyun, phó giám đốc NBS, thừa nhận rằng chính sách hiện hành không đủ để vực dậy bất động sản. Nhiều nhà phân tích tin rằng số liệu GDP tích cực thời gian qua sẽ tác động để giới hoạch định chính sách không vội đưa ra những gói kích thích lớn, bởi mục tiêu tăng trưởng 5% đang ở gần.