Vòng đàm phán gián tiếp thứ 6 giữa Mỹ và Iran đã bị hủy bỏ chỉ 2 ngày trước khi sự kiện dự kiến diễn ra tại Oman vào ngày 15/6. Quyết định hủy bỏ vòng đàm phán này diễn ra sau khi Israel tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran và hạ sát nhiều chỉ huy quân sự cấp cao của nước này. Tehran đã cáo buộc động thái của Israel là hành động tuyên chiến.
Mỹ sau đó cũng tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Iran khi triển khai các máy bay ném bom hạng nặng tấn công 3 cơ sở hạt nhân quan trọng của Tehran vào ngày 22/6. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, các địa điểm ở Iran đã bị ‘phá hủy hoàn toàn’ sau đòn tấn công của nước này.
Trong cuộc phỏng vấn được tờ Le Monde công bố hôm 10/7, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã lên án các cuộc tấn công là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cho rằng chính Mỹ đã ‘phá vỡ’ các cuộc đàm phán và chuyển sang hành động quân sự. Ông Araghchi cũng khẳng định Tehran vẫn cam kết với con đường ngoại giao nhưng nhấn mạnh việc nối lại đàm phán phải dựa trên trách nhiệm giải trình, tôn trọng lẫn nhau và quan trọng nhất là ‘đảm bảo không có cuộc tấn công nào’.
Ông Araghchi lưu ý rằng mặc dù căng thẳng, các cuộc trao đổi ngoại giao vẫn đang được tiến hành thông qua các trung gian hòa giải.
Trong tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng Tổng thống Trump cam kết hòa bình với Iran. Phát ngôn viên Tammy Bruce nói: ‘Cam kết của chúng tôi đã kiên định trong suốt cuộc xung đột và bây giờ là lúc Iran tận dụng điều đó.’
Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Trump, Ngoại trưởng Iran cho hay rằng việc tuyên bố chương trình hạt nhân đã bị hủy diệt là một tính toán sai lầm. Tehran đang đánh giá thiệt hại và có thể yêu cầu bồi thường.
Washington đã yêu cầu Tehran ngừng mọi hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, ông Araghchi tái khẳng định chương trình hạt nhân của Iran phục vụ mục đích hòa bình, hợp pháp và được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát liên tục.
Iran đang làm giàu uranium đến độ tinh khiết 60%, cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% được đặt ra theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện không còn hiệu lực.
‘Mức độ làm giàu uranium do nhu cầu của Iran quyết định,’ nhà ngoại giao hàng đầu Iran bày tỏ. Ông cũng khẳng định mức độ hiện tại nhằm ‘chứng minh việc đe dọa và áp lực không phải là giải pháp’.’
Ông Araghchi cũng loại trừ bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Ông quả quyết chương trình này ‘hoàn toàn mang tính phòng thủ và răn đe’. Ông coi việc yêu cầu Iran từ bỏ khả năng phòng thủ trong điều kiện hiện tại là ‘vô lý’.’